Vấn đề ăn uống hết sức quan trọng và cần thiết trong điều trị bệnh đái tháo đường, song trước nay có nhiều quan niệm sai lầm xung quanh việc khuyến cáo về dinh dưỡng trong chữa bệnh. Do đó bạn nên tìm hiểu những thông tin khoa học để điều chỉnh chế độ ăn hợp lý nhé!
Chế độ ăn cần được điều chỉnh thích ứng cho từng bệnh nhân riêng biệt, phải thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu sau:
- Đủ chất: đạm, béo, đường, vitamin, muối khoáng, nước với khối lượng hợp lý. - Không làm tăng đường máu nhiều sau khi ăn - Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn - Duy trì hoạt động thể lực bình thường hàng ngày - Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng hoặc giảm cân đến mức hợp lý - Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận.
- Phù hợp tập quán ăn uống của địa dư, dân tộc, của từng bệnh nhân và gia đình
- Đơn giản và không quá đắt tiền
- Không nên thay đổi quá nhanh và nhiều cơ cấu cũng như khối lượng của các bữa ăn.
Thành phần bột – đường
Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Theo quan niệm trước đây thì các bệnh nhân đái tháo đường phải ăn ít thức ăn này, song nghiên cứu lâm sàng cho bệnh nhân đái tháo đường ăn giàu chất bột – đường (tơí 90% trong thời gian ngắn) không thấy làm tăng đường máu.
Do vậy khuyến cáo về thành phần bột – đường trong chế độ ăn không còn hạn chế khắt khe như trước.
Để cung cấp tinh bột, bạn nên ăn các loại ngũ cốc toàn phần có đủ vitamin, chất xơ và muối khoáng. Các loại đường nên được tiêu thụ dưới dạng rau và hoa quả.
Thực phẩm giàu chất xơ giúp làm chậm lại quá trình hấp thu đường vào máu, qua đó giữ cho mức đường trong máu không bị tăng đột ngột ngay sau bữa ăn và không bị giảm quá thấp lúc xa bữa ăn, rất có lợi trong kiểm soát đường huyết.
Thành phần chất béo
Tỷ lệ chất béo trong bữa ăn của người Việt Nam vốn không cao ( chỉ chiếm từ 10 – 20% tổng calo tiêu thụ hàng ngày). Khuyến cáo trước đây về tỷ lệ chất béo khoảng 25 – 30% cho người dân Việt Nam là không thực tế vì:
- Không hợp khẩu vị của đa số người Việt Nam, trong đó có người đái tháo đường
- Tạo điều kiện để tăng mỡ máu ở người đái tháo đường vốn đã chiếm tới 40%
- Tạo điều kiện cho béo phì phát triển thêm
Do vậy tỷ lệ chất béo trong khẩu phần người đái tháo đường nên ở trong phạm vi người bình thường (15-20%) là hợp lý. Tỷ lệ này phụ thuộc vào thói quen ăn uống của bệnh nhân và gia đình, tình trạng béo phì, tăng mỡ máu, huyết áp, lượng đường trong máu… Với người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch, lượng chất béo nên hạn chế. Với người gầy và không có yếu tố nguy cơ tim mạch, lượng chất béo có thể tăng lên trên cơ sở bệnh nhân dung nạp được chế độ ăn đó.
Ngoài ra cũng cần cân đối giữa chất béo nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật ( nên là 50/50). Việc thay toàn bộ chất béo động vật bằng chất béo thực vật là không cần thiết vì làm giảm vitamin A,D, là những vitamin tan trong mỡ.
Thành phần chất đạm
Tỷ lệ chất đạm chỉ nên chiếm từ 10 – 20% tổng số calo hàng ngày. Chế độ ăn giàu đạm có thể ảnh hưởng đến tổn thương thận do đái tháo đường (chiếm tới 30% bệnh nhân đái tháo đường). Ngoài ra ăn nhiều đạm về lâu dài còn gây chán ăn và chi phí tốn kém. Tuy nhiên chế độ ăn giàu đạm có thể được áp dụng trong thời gian ngắn khi đường máu còn cao. Nếu bệnh nhân bị suy thận thì phải giảm lượng đạm xuống song không được quá thấp để tránh suy dinh dưỡng.
Vitamin và muối khoáng
Các thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt vitamin nhóm B (B1, B2, PP) cũng cần có mặt trong khẩu phần ăn, vì chúng giúp ngăn ngừa tạo thành thể cetonic.
Các thử nghiệm đã chứng minh việc sử dụng liều cao các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, beta carotene, selenium không được chứng mình là có tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng chống ung thư và đái tháo đường; thậm chí còn gây tác dụng bất lợi. Vì vậy chỉ nên sử dụng nhiều loại vitamin liều thấp trong trường hợp cần thiết ( suy nhược, kém hấp thu…) khi xác định có thể thiếu vitamin.
Tóm lại, chế độ ăn cho người đái tháo đường thực chất cũng là chế độ ăn mẫu mực ngay cả cho người bình thường. Sở dĩ bệnh đái tháo đường hiện nay đang gia tăng với mức độ chóng mặt một phần quan trọng là do chế độ ăn thái quá của những người bình thường. Do vậy, dù bạn là người đái tháo đường hay không thì cũng nên hết sức lưu tâm đến một chế độ ăn khoa học, hợp lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét