Science Daily đưa tin các nhà tâm lý của Đại học Bonn tại Đức tuyển 40 nam giới đang yêu sâu đậm một phụ nữ để thực hiện một thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu chia các tình nguyện viên thành hai nhóm rồi yêu cầu họ xịt một loại chất lỏng vào mũi. Trên thực tế một nhóm tình nguyện viên xịt giả dược, còn nhóm kia xịt oxytocin.
Oxytocin, hay “hormone tình yêu” là một loại hóa chất chi phối bộ não trong hoạt động tình cảm và tình dục. Cơ thể người sản xuất oxytocin khi chúng ta cảm thấy lãng mạn, đạt cực khoái, sinh con và cho con bú.
Sau đó, nhóm nghiên cứu cho các chàng trai xem ảnh của vợ hoặc người yêu, rồi đề nghị họ đánh giá mức độ hấp dẫn của người trong ảnh trước và sau khi hít.
Kết quả cho thấy những người cầm lọ xịt oxytocin cảm thấy người yêu hoặc vợ của họ hấp dẫn hơn sau khi hít, còn nhóm cầm giả dược không cảm thấy sự khác biệt.
Nhóm nghiên cứu lặp lại thí nghiệm lần thứ hai, nhưng lần này tình nguyện viên chỉ xem ảnh của đồng nghiệp nữ hoặc những phụ nữ mà họ không biết. Kết quả cho thấy cả hai nhóm – cầm oxytocin lẫn giả dược – đều cảm thấy mức độ hấp dẫn của những người phụ nữ không tăng hoặc giảm.
Trong bài báo trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học nói rằng cơ thể sản xuất oxytocin khi chúng ta thực hiện các giao tiếp thể xác ở cự ly gần, như ôm và hôn. Tác động của oxytocin khiến người đàn ông cảm thấy người tình trở nên quyến rũ hơn.
“Song hiện tượng ấy chỉ xảy ra nếu hai người có quan hệ yêu đương”, họ nói.
Nếu một đôi uyên ương chia tay, lượng oxytocin trong cơ thể sẽ giảm và hiện tượng ấy khiến họ cảm thấy sự tan vỡ trở nên nặng nề.
"Cơ chế sinh học của tình yêu rất giống cơ chế của ma túy. Khi cả hai yêu, họ thăng hoa, còn khi tình yêu tan vỡ họ sẽ vật vã. Điều đó giúp chúng ta hiểu tại sao nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản sau khi tình yêu tan vỡ. Do cơ thể ngừng sản xuất oxytocin, cảm giác hưng phấn rời bỏ chúng ta và cảm giác tuyệt vọng ập tới", nhóm nghiên cứu nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét