Corticoid là nhóm thuốc có gốc steroid rất thường được sử dụng
trong điều trị, trong dân gian còn gọi là “thuốc hồi sinh”; trên thị
trường có nhiều tên biệt dược khác nhau. Nhờ có corticoid mà một số bệnh
mãn tính được điều trị cải thiện đáng kể, trong đó điển hình là Lupus
đỏ, viêm khớp mãn, suyễn…
Tuy nhiên, việc dùng corticoid không đúng chỉ định, quá
nhiều và quá lâu dài có thể dẫn đến những tai biến nghiêm trọng cho sức
khỏe.
Ba biến chứng sớm thường gặp
Biến chứng tiêu hóa: corticoid có thể gây loét nhiều ổ, nhất
là tại bờ cong lớn của dạ dày. Biến chứng này hay gặp ở người bị suy
dinh dưỡng dùng thêm các thuốc chống viêm khác.
Nếu bệnh nhân có viêm loét sẵn tại dạ dày tá tràng, khi dùng
corticoid không có kiểm soát rất dễ bị đau trở lại, hoặc dễ có biến
chứng cấp như thủng bao tử, xuất huyết. Bệnh nhân bị viêm loét ruột già
từ trước có thể bị xuất huyết, thủng ruột.
Biến chứng tâm thần kinh
Corticoid dễ gây triệu chứng hưng phấn, bệnh nhân có cảm
giác thèm ăn, ăn nhiều hơn, dễ mất ngủ. Nếu nặng hơn, có thể có cơn nói
sảng, hoang tưởng, trầm cảm, lú lẫn. Nếu bệnh nhân có cơ địa tâm thần
sẵn thì rất dễ bị biến chứng này và có thể có những cơn tâm thần cấp. Do
đó phải hỏi kỹ bệnh sử trước khi dùng thuốc.
Dễ bị nhiễm trùng
Thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên bệnh nhân dễ bị
nhiễm trùng, bội nhiễm với vi trùng sinh mủ, lao, virus, vi nấm. Nếu đã
mang lao tiềm ẩn thì dễ nặng thêm. Các dạng nhiễm virus như thủy đậu,
Herpes zona, sởi có thể thành cấp tính. Bệnh nhân gặp phải các biến
chứng này cần được theo dõi chặt chẽ và đưa ra hướng điều trị hợp lý.
4 biến chứng muộn
Rối loạn phân bổ mỡ, thay đổi da niêm: mỡ
tụ nhiều ở mặt, làm mặt tròn như mặt trăng, tích ở sau cổ gây ra bướu
mỡ. Biến chứng của corticoid cũng gây tích mỡ ở thân mình, nhất là ở
bụng, vai lưng nên nhìn sơ qua thấy bệnh nhân có vẻ lực lưỡng.
Tuy nhiên vì tình trạng dị hóa đạm, tay chân bệnh nhân lại
teo gầy, yếu cơ. Da mỏng, da mặt ửng đỏ có mụn trứng cá rải rác, da dễ
bị bầm, khi va chạm dễ có vết nứt, vết thương rất chậm lành sẹo. Bệnh
nhân có thể có triệu chứng rậm lông.
Rối loạn ở xương: Corticoid ức chế sự hoạt
động hủy cốt bào, giảm sự hấp thụ can-xi ở ruột nên bệnh nhân dễ bị
loãng xương. Người lớn tuổi dễ bị gãy xương ở xương dài (chân, tay), xẹp
đốt xương sống, rất rõ rệt khi dùng liều cao lâu ngày. Nặng hơn có thể
gây hoại tử vô trùng ở xương, thường gặp ở đầu xương đùi.
Trẻ em bị chậm lớn ngay cả khi dùng corticoid liều thấp.
Tình trạng này sẽ hết khi ngưng thuốc với điều kiện sụn tăng trưởng ở
đầu xương chưa cốt hóa.
Biến chứng mắt: Corticoid có thể gây đục thủy tinh thể, dễ gây tăng nhãn áp ở người có cơ địa bị bệnh này.
Rối loạn sinh học: Corticoid có thể gây ứ
đọng na-tri và nước nên có thể làm tăng cân, phù, tăng huyết áp. Người
có bệnh nên tăng huyết áp có khuynh hướng nặng thêm. Ka-li có khuynh
hướng giảm (không hoàn toàn phù thuộc vào sự giữ na-tri), nặng hơn có
thể có tình trạng kiềm máu hạ ka-li.
Những bệnh nhân có cơ địa đái tháo đường tiềm ẩn có thể bị
đái tháo đường lâm sàng. Trên những bệnh nhân đã bị đái tháo đường,
đường huyết dễ tăng hơn nữa.
Bạch cầu đa nhân trung tính có thể tăng dù
bệnh nhân không bị nhiễm trùng, bạch cầu đa nhân ái toan giảm, bệnh nhân
có khuynh hướng dễ bị đông máu. Do dễ gây biến chứng nguy hiểm, cần
phân tích cơ địa kỹ lưỡng trước khi dùng liều thấp nhất, có hiệu quả
trong thời gian ngắn nhất cho phép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét