Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Hướng nhà xấu dễ bị bóng đè

Theo các chuyên gia, bóng đè là hiện tượng bình thường của giấc ngủ, không liên quan đến ma quỷ và hướng nhà không tốt cũng dễ bị bóng đè khi ngủ.
Sau nhiều lần bị bóng đè, chị Nguyễn Thị Ái, Tp.Thanh Hóa đi kể chuyện, nhiều người bảo đó là do "ma" đè. Phải nhờ thầy cúng làm lễ may ra con ma đó mới ra khỏi cơ thể, nếu không nó sẽ đeo bám dai dẳng, làm cho gia đình chị lụi bại.


 Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bóng đè là hiện tượng bình thường của giấc ngủ, không liên quan đến ma quỷ.
Hoang mang vì bị bóng đè!
Tính đến nay, gia đình chị Ái chuyển về nhà mới đã được một thời gian. Hai vợ chồng bài trí phong thủy cho căn nhà khá công phu. Thế nhưng, "không hiểu sao đêm nào tôi cũng ngủ mơ. Giấc ngủ cứ chập chờn theo kiểu nửa thức nửa tỉnh. Trong trạng thái đó, tôi thấy có những con vật không rõ hình hài làm cho đầu óc tôi như phát điên, khó thở.

Mặc dù vẫn tỉnh táo, nhưng tôi không thể cựa quậy, tứ chi bất động, cảm giác như có vật nặng đè lên người. Phải một lúc lâu tôi mới vùng dậy được. Sự việc đó đã diễn ra liên tục trong một thời gian dài khiến tôi rất hoang mang"
, chị Ái tâm sự.

Nhiều người biết chuyện, phán rằng chị bị "ma" ám, khuyên chị phải đi mời thầy cúng về nhà làm lễ, để xua đuổi con ma đó ra khỏi người, nếu không nó sẽ ám chị, gia đình chị kiểu gì cũng có những chuyện không hay.

GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc chị Ái đêm ngủ mơ sảng như vậy, đơn thuần là biểu hiện của bóng đè, do làm việc quá sức, bị căng thẳng, cơ thể không khoẻ.


 Không có chuyện ma quỷ đè lên người khi chúng ta ngủ. Chị Ái không nên nghe theo lời bàn tán của mọi người để "làm mồi" cho thầy cúng "ăn tiền".
"Theo thuyết phong thủy thì những người bị bóng đè liên tục thường do chính mảnh đất của họ đang ở. Vì vậy, khi mua đất làm nhà các gia đình phải tìm hiểu, tính toán thật cẩn thận xem tâm và hướng đất đó có phù hợp với tuổi của mình không.


 Nếu vị trí đất đó không tốt sẽ phát ra từ trường xấu làm ảnh hưởng đến chủ nhà. Điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe, giấc ngủ và việc làm ăn của mọi người trong gia đình", ông Tiến nhấn mạnh.

bongde.jpg
Bóng đè là hiện tượng khá nhiều người gặp phải khi ngủ.  

Nằm dưới xà nhà là bị bóng đè
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học tin học và Ứng dụng (UIA) cho biết: Người ta cho rằng, do đặt giường ngủ ở vị trí xà nhà, dầm nhà nên khi ngủ bị bóng đè. Theo triết học phương Đông, mỗi con người được thị hiện bởi 2 thành tố: Phần thực thể (phần vật chất nhìn thấy bằng sắc tướng) và phần tâm thể (phần vật chất vô hình, mắt thường không nhìn thấy).

Trong phần tâm thể có 3 hình thái là hồn, vía và phách. Thể hồn luôn gắn liền với thân xác khi con người còn sống, khi chết thì "hồn lìa khỏi xác". Còn thể vía và phách có khi bị "thất tán" ngay cả khi con người còn sống, cho nên mới có câu "Sợ mất vía" hoặc "Hồn xiêu phách lạc".


 Thể vía và thể phách như một "chiếc lồng" bao quanh cơ thể sinh học. Độ lớn của "chiếc lồng" đó có quan hệ mật thiết với sự cảm nhận của 6 giác quan.
Nói một cách trực giác là khi ta nghe thấy tiếng súng từ xa đã sợ rồi, nhưng với người điếc dù ở gần vẫn "điếc không sợ súng". Khi các giác quan bị đóng (ví dụ như khi ta ngủ) thì "chiếc lồng" có thể bị thu hẹp nhưng nó vẫn còn hữu hiệu trong cự ly từ 2 - 3m.

Tác động của môi trường vào cơ thể sinh học trước hết phải xuyên qua "chiếc lồng" này. Nhiều khi sự tác động của môi trường chưa tới được cơ thể sinh học, mà mới chỉ chớm đến "chiếc lồng" là cơ thể đã nhận biết được.

Ví dụ: Khi một đứa trẻ mới vài ba tháng tuổi, có người lạ đến dù còn cách vài mét mà nhìn chằm chằm với thái độ không thân thiện thì đứa bé sợ hãi và khóc ngay, nhưng khi mẹ đứa bé chạy lại (tuy còn cách xa vài ba mét) mà nó đã thấy "yên lòng" rồi.

"Khi ta ngủ dưới xà nhà, dầm nhà cũng vậy. Tuy nó không trực tiếp tác động lên cơ thể chúng ta mà nó tác động lên thể phách và thể vía, khiến ta có cảm giác như có vật gì tác động vào, khiến người ngủ say có cảm giác bất động. 

Nó giống như cục nam châm, đặt bên đồ vật kim loại, khi đặt gần thì sẽ hút nhau. Xà nhà càng gần giường ngủ thì chúng ta càng có cảm giác bị bóng đè nhiều hơn", TS Khanh giải thích.
Bóng đè chẳng ai nhìn thấy, nhưng lại "cảm thấy" rất rõ, hầu như ai cũng bị bóng đè ít nhất một lần trong đời. Có người cho rằng, những người thường xuyên bị bóng đè là do yếu bóng vía. Mỗi loài trong thế giới tự nhiên đều có những "khắc tinh" khống chế nhau, do vậy khi gặp "khắc tinh" liền bị "bắt vía". 


Ví dụ như, con rết nhìn thấy con sên là bủn rủn chân không thể bò được nữa mặc dù rết bò nhanh hơn sên.
Hướng nhà xấu dễ bị bóng đè
TS Khanh cho hay, hướng nhà không tốt cũng dễ bị bóng đè khi ngủ. Như cổng chính hoặc cửa nhà đối diện với ngã 3, ngã 4 tạo thành đường thẳng đâm vào nhà, nhất là những nhà ở thành phố. 

Khi đó sóng bức xạ thứ cấp, tia hồng ngoại của người và các loại xe cơ giới ngoài đường sẽ phóng thẳng vào nhà, gây cho cơ thể chúng ta có cảm giác ngột ngạt, khó chịu.
Người lúc nào cũng trong trạng thái lâng lâng, chóng mặt. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, về đêm dễ xảy ra hiện tượng mê sảng, mệt mỏi khi ngủ.

"Khi làm nhà nên chọn vị trí phù hợp để thiết kế cửa chính, cửa sổ. Để hạn chế việc bị bóng đè do yếu tố phong thủy thì cấu trúc nhà ở, đồ dùng trong nhà nên được tạo thành hình khối uyển chuyển, tránh các hình khối có dạng nhọn, sắc, làm cho tâm trí có phản ứng đối kháng.

Hoặc là, phòng ngủ quá to thì gây cảm giác hoang mang, trống trải, phòng ngủ nhỏ quá lại tạo cảm giác bức bối, gò bó và cũng dễ gây hiệu ứng bóng đè.

 Do vậy, kích thước phòng ngủ vừa phải, vuông vắn, giường kê cách xa cửa chính, không đối diện với nhà bếp hoặc phòng vệ sinh là tốt nhất.

 Không nên kê giường ngủ dưới các thanh xà hoặc dầm gỗ, dầm bê tông. Vì ở các vị trí đó dễ bị cảm giác "xà đè" hoặc "bóng đè", TS Khanh chia sẻ.
Theo Kiến Thức

Không có nhận xét nào: