Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Mùi cơ thể lên tiếng

Chắc hẳn có ít một lần bạn đã bị sốc khi ngửi được mùi... khó chịu từ cơ thể ai đó đi ngang qua/giao tiếp với mình. Là người ngoài cuộc, bạn đã rất dè dặt khi tiếp xúc với khổ chủ thì chính các đối tượng này lại “đứng ngồi không yên” gấp bội.

 Trên thực tế, mùi hôi cơ thể như mùi hôi dưới cánh tay, chân... không gây hại đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt, khiến người trong cuộc thiếu tự tin và kém thoải mái trong giao tiếp. Đặc biệt là trong thời tiết nóng bức như hiện nay, cơ thể nặng mùi càng gây phiền toái cho “chủ nhân” và những người xung quanh.   Có rất nhiều cách giúp cơ thể “tiết chế” những mùi khó chịu này tuy nhiên để có được kết quả như mong đợi, chúng ta cần phải hiểu rõ cơ chế gây mùi cũng như những cách khắc phục phù hợp với từng nguyên nhân cụ thể. Hy vọng rằng những thông tin mà chuyên mục Tiêu điểm kỳ này của TGGĐ cung cấp sẽ giúp ích được cho những ai đang còn băn khoăn đi tìm lời giải cho vấn đề này


. “KHÓC THÉT” VÌ… MÙI

 Chẳng ai muốn cơ thể mình “bốc mùi” khó chịu nhưng rõ ràng, nếu không may “dính chưởng”, chắc chắn khổ chủ sẽ rơi vào những tình huống dở khóc dở cười. Hai câu chuyện cười ra nước mắt dưới đây sẽ phần nào cho chúng ta hiểu được “thảm cảnh” mà không ít người phải trải qua, kể cả ảnh hưởng đến những người xung quanh.  

Câu chuyện 1: NGẠI YÊU VÌ “VIÊM CÁNH”

 Có dáng người chuẩn và khuôn mặt điển trai, nhưng ít ai biết anh Tường (32 tuổi, Vũng Tàu) luôn tự ti với ngoại hình đáng mơ ước đó của mình. Nguyên nhân là do tình trạng “hách từ trong nôi” của anh. Anh Tường nhớ mãi, từ ngày vào đại học, nỗi khổ vì bị hôi nách bắt đầu “hành hạ” anh đến giờ, bởi đó là lúc anh bắt đầu vận động nhiều, ra mồ hôi nhiều và cũng sống trong môi trường tập thể nhiều nhất. Bạn bè sống chung với anh từ trong ký túc xá đến khi ra ngoài thuê phòng trọ đều lần lượt… bỏ anh ra đi, vì không thể chịu nổi “mùi hương nặng nề” quanh anh, nhất là mỗi khi trời nóng nực.  “Thậm chí có lần, sau khi tôi mượn chiếc áo, một thằng bạn đã… cho tôi luôn chiếc áo đó vì bảo mùi của mày kinh quá, tao không dám mặc lại vì sợ bị lây!”, anh Tường kể. Sau lần chia tay mối tình đầu từ hồi năm 3 đại học, đến giờ anh Tường vẫn lẻ bóng. Anh bị ám ảnh bởi “cái ôm đầu đời” với người yêu, lúc đó, khi anh vừa nhẹ nhàng kéo đầu nàng tựa vào ngực trái mình thì nàng bỗng… lấy tay bịt mũi và đẩy mạnh anh ra, bỏ đi chỗ khác. Cũng vì cái mùi “đau khổ” này mà anh Tường thường sống khép kín, đặc biệt không dám ngỏ lời yêu ai. 

Câu chuyện 2: BỊ SẾP “CẠCH MẶT” DO HÔI CHÂN

 Thùy Chi (28 tuổi, Q. 2, TP. HCM) khá dễ thương, tốt tính, nhưng ở công ty cô “nổi tiếng” vì chuyện khác hơn là vẻ ngoài tươi tắn của mình. Hàng ngày, khi Chi vừa đến bãi giữ xe, trong công ty đã rộn rã hẳn lên. Một số người nhắc nhau cảnh giác để… bịt mũi hoặc “nín thở” khi Chi đi qua: “Hàm Hương” đến rồi đấy, mọi người lưu ý nhé!”. Đó là vì đôi chân của Chi thường rất hôi, dù mới sáng sớm và cô chỉ đi từ nhà đến công ty nhưng chân cũng manh nha “phát mùi” rồi. Nhiều lần cũng vì cái mùi đáng ghét ấy mà Chi muốn độn thổ. Nhớ nhất là lần phòng cô được sếp dẫn đi gặp khách hàng. Hôm đó mọi người ai cũng ăn mặc thật đẹp, Chi cẩn thận vệ sinh chân sạch sẽ và xịt mỹ phẩm chuyên dụng để khử mùi, vậy mà dưới cái nắng 370C cộng với một quãng đường dài gần 10km đã khiến mọi nỗ lực “ngụy trang” của Chi bay mất. Đến nơi, mùi chân của cô có cơ hội “lộng hành”. “Đang cùng đối tác đi bộ lên cầu thang, bỗng một anh nhân viên trẻ bên đối tác buột miệng la lên: Ôi, mùi gì mà kinh thế nhỉ! Nghe xong mình muốn độn thổ luôn và cũng từ sau lần ấy, sếp đã thẳng thừng cạch mặt mình trong mọi dự án đi gặp khách hàng của công ty”, Chi buồn bã nói. 

  [CHIA SẺ TỪ CHUYÊN GIA] 


Xung quanh chuyện “cơ thể phát mùi”, TS. BS. Văn Thế Trung, Giảng viên trường Đại học Y Dược TP. HCM đã có những chia sẻ bổ ích dành cho bạn đọc TGGĐ: Mùi cơ thể chủ yếu do mồ hôi nhờn kết hợp với hoạt động của vi khuẩn có trên da tạo ra chứ không được xem là bệnh lý. - Cơ thể động vật hay con người đều có mùi tự nhiên. Ở một số người thì mùi cơ thể hơi nặng hơn bình thường gây cảm giác khó chịu khi giao tiếp. Họ có thể bị xem là ở bẩn, vệ sinh cơ thể kém, nhất là với những người bị hôi nách, hôi chân vì dễ phát hiện. -  Mùi cơ thể chủ yếu do mồ hôi nhờn kết hợp với hoạt động của vi khuẩn có trên da tạo ra. 

Các vi khuẩn có trên da sản xuất ra men phân hủy chất béo trong mồ hôi tạo thành các phân tử nhỏ hơn. Chính các phân tử này tạo thành mùi đặc trưng của mỗi người. Các vùng da có nhiều tuyến nhờn như nách, quầng vú, vùng bẹn, sinh dục là những vùng hay tạo mùi. - Có thể điều trị giảm bớt mùi cơ thể bằng cách sử dụng chất khử mùi, xà phòng kháng khuẩn, chlorophylin... Tuy nhiên cần lưu ý, trong một số trường hợp chính chất khử mùi khi kết hợp với mùi cơ thể lại tạo ra mùi hôi càng khó chịu hơn. - Hiện nay, một số bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ có thể còn áp dụng các công nghệ tiên tiến để điều trị sự tăng tiết mồ hôi.

 Tuy nhiên, rất nhiều người còn e ngại đi khám bởi vì sự mặc cảm, lo ngại về chi phí và tính hiệu quả của điều trị. Để đạt hiệu quả điều trị, người có nhu cầu cần tham khảo thông tin và đến những cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn. 

 - See more at: http://thegioigiadinh.com.vn/dep-khoe/bi-mat-y-khoa/mui-co-the-len-tieng-1417#sthash.ADpjiRl8.dpuf

Không có nhận xét nào: