Mặt khác, điều kiện môi trường mưa ẩm còn rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người như cảm, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu.
Thậm chí, việc giảm nhiệt độ đột ngột còn có thể gây ra một số bệnh khác như nổi mề đay, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây liệt mặt, méo miệng, đột quỵ. Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn, nhất là với người già và trẻ em.
Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật khi thời tiết đột ngột thay đổi.
Giữ ấm cơ thể
Cần mặc đủ ấm khi đi xe máy, làm việc ngoài trời, đặc biệt nếu phải tiếp xúc với không khí lạnh vào ban đêm, sáng sớm. Những bộ phận như bàn chân, tay, ngực, cổ, đầu, mũi luôn cần phải được bảo vệ để tránh gió lùa. Nếu đang ngồi trong phòng điều hòa, bạn cần phải mặc đủ ấm và mở cửa từ từ trước khi bước ra ngoài không khí lạnh.
Ăn uống
Thời tiết thay đổi khiến cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng, vì vậy chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn chống lại bệnh tật. Theo các chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, chúng ta nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng, cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Để tăng tính ấm cho thức ăn, bạn cũng có thể nêm những loại gia vị có tính ấm như hành, tỏi, gừng, quế... Những loại gia vị này có tác dụng làm ấm cơ thể, kích thích tiêu hóa.
Tránh sử dung trực tiếp những thực phẩm lấy từ tủ lạnh dễ gây viêm họng và khó tiêu. Hạn chế các chất béo có hại như mỡ động vật, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp. Không nên ăn quá nhiều muối, tránh xa các đồ uống có cồn bởi chúng có thể gây hại cho huyết áp tăng nguy cơ đột quỵ. Khi thời tiết chuyển lạnh hơn là lúc bạn nên chuyển sang ăn nhiều đồ nóng, ấm, hạn chế ăn đồ lạnh.
Ăn thức ăn lạnh mùa này thường gây khó tiêu và dễ gây viêm họng hơn so với trời mùa hè. Một điều cần chú ý khi bổ sung các loại gia vị này là, khi trời sang thu, chưa thực sự lạnh như mùa đông thì bạn chỉ nên bổ sung đồ cay, nóng ở mức vừa phải chứ không nên ăn nhiều như khi sang mùa đông.
Thời tiết này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh như sốt virus, cảm cúm. Vì vậy, để phòng bệnh, các chuyên gia đều cho rằng nên duy trì thói quen uống nhiều nước ấm hàng ngày.
Vệ sinh cá nhân
Dù nhiệt độ hạ thấp, nhưng các bác sĩ đều cho rằng phải thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân. Đây cũng là một trong những biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm bằng cách rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Cần giữ vệ sinh, nhất là đường hô hấp (họng, miệng, mũi, hầu) để tránh mắc các bệnh do vi sinh vật gây ra. Các độc tố của vi sinh vật là một trong các loại dị nguyên lạ đối với cơ thể. Nên súc họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Duy trì thói quen tắm hàng ngày tắm bằng nước ấm nhưng tuyệt đối tránh tắm quá lâu hoặc khuya.
Khi thời tiết đã bắt đầu chuyển sang lạnh, bạn nên rửa mặt bằng nước ấm là tốt nhất. Nếu rửa mắt với nước quá nóng có thể khiến da bạn bị khô, mất nước, dễ bị mẩn ngứa, viêm da.
Tập thể dục
Thể dục buổi sáng là thói quen tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với thời tiết thay đổi đột ngột, chúng ta không nên tập thể dục quá sớm và cần khởi động ít nhất 10-20 phút. Biện pháp này vừa làm nóng cơ thể, vừa đánh thức cơ bắp và tăng hiệu quả tập luyện.
Thời điểm phù hợp nhất trong ngày để tập thể dục vào mùa đông là 15-17h hoặc 17-19h. Khi đó, thời tiết ấm áp nhất trong ngày, đồng thời cơ thể chúng ta cũng khỏe mạnh nhất, có thể đốt được nhiều calo khi tập.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn khuyến cáo để phòng bệnh chúng ta cần đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ ấm nhà cửa và tiêm vắc xin phòng bệnh. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Theo Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét