Có thể một ngày đẹp trời nào đó, bạn chợt nảy ra ý tưởng hoặc đam mê tột độ với việc kinh doanh riêng. Cảm hứng này xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau nhưng không phải tất cả đều đủ hợp lý để bắt đầu theo đuổi sự nghiệp ấy.
Chẳng hạn như, bạn đang cảm thấy rất chán nản vì cứ phải suốt ngày chịu trách nhiệm hoặc gánh vác cho công việc của một ai đó, và bạn muốn mình “tự chủ” hơn bằng cách kinh doanh riêng. Nhưng thực tế là khi làm kinh doanh, bạn thậm chí còn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư…
Do đó, trước khi quyết định bắt tay vào làm, bạn phải thực sự hiểu rõ về việc kinh doanh – lĩnh vực mình sắp dấn thân vào khám phá, vì biết đâu nó không phải là “vùng đất màu mỡ” như bạn đã từng nghĩ.
Sau đây là 4 điều cơ bản nhất bạn cần phải xác định trước khi quyết định từ bỏ công việc hiện tại để làm kinh doanh:
1. Dự án kinh doanh của bạn sẽ giải quyết được vấn đề gì?
Dù bạn quyết định kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì, hãy luôn luôn bắt đầu bằng một vấn đề nan giải mà một nhóm người nào đó hoặc chính bản thân bạn đang gặp phải, chứ đừng đơn giản bắt đầu kinh doanh chỉ vì cảm thấy thị trường có vẻ tiềm năng.
Tìm hiểu sâu hơn về những thách thức, những khó khăn mà mọi người đang phải đối mặt, và sau đó tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp nhất. Gần như tất cả mọi công ty thành công đều được xây dựng vì mục đích sau cùng là giải quyết một vấn đề cho một nhóm người cụ thể nào đó.
Chẳng hạn như Dropbox giúp giải quyết vấn đề đồng bộ hóa các tập tin dữ liệu trên nhiều thiết bị khác nhau; WhatsApp giải quyết vấn đề đa dạng hóa phương pháp nhắn tin bằng điện thoại một cách miễn phí…
2. Sự chần chừ sẽ “giết chết” sự khởi đầu
Bước đầu tiên của việc khởi động một thương nghiệp là… bắt đầu nó. Nếu bạn đã thật sự cảm thấy mọi thứ chín muồi rồi thì hãy tiến hành ngay lập tức. Nếu không, một ai đó nhất định sẽ hiện thực hóa ý tưởng của bạn và đưa sản phẩm hoặc dịch vụ ấy ra thị trường trước khi bạn kịp “trở tay”.
Không có ý tưởng nào là độc nhất vô nhị cho tới khi nó được thực hiện, vì sự khác biệt nằm ở hiện thực chứ không phải nằm ở những ý tưởng còn trong trứng nước.
Google không phải là công cụ tìm kiếm đầu tiên ở thời điểm nó được tung ra, có rất nhiều thương hiệu khác cũng cung cấp dịch vụ với ý tưởng tương tự. Tuy nhiên, những thuật toán tìm kiếm tối ưu của Google đã làm nên sự khác biệt của nó so với những “đồng nghiệp” khác.
Xét ở một khía cạnh nào đó, thời điểm quyết định khởi nghiệp chính là lúc bạn đã chấp nhận đi một bước liều. Không hề tồn tại cái gọi là “thời điểm đúng” để bắt đầu kinh doanh và lúc nào cũng vậy, bạn khó thể tưởng tượng ra điều gì sẽ chờ đợi mình phía trước. Vậy nên, đã “phóng lao” rồi thì phải “theo lao” thôi.
3. Sẵn sàng đón… thất bại
Nếu bạn khởi nghiệp, bạn có thể hoặc chắc chắn rằng sẽ thất bại, nhưng thất bại lại mang đến những bài học thú vị. Bạn có biết Angry Birds (được phát triển bởi Rovio) đã thành công sau 51 lần thất bại? PayPal cũng mang đến những thành quả xứng đáng cho Max Levchin sau 4 lần “công cốc”. Do đó, hãy nắm lấy chứ đừng bỏ qua những thất bại trong sự nghiệp kinh doanh.
Tiến sĩ Alan Phan từng nói: “Không phải đối tác nào đang thành công cũng có thể là một đối tác tốt. Đặc biệt, tôi không bao giờ dám hợp tác làm ăn với người chưa bao giờ thất bại, vì có thể họ sắp thất bại”.
Bạn không thể học đi xe đạp bằng cách nằm nhà đọc các hướng dẫn cách đạp xe. Bạn phải ngồi lên xe, té ngã một vài lần, và rồi sau đó mới có thể tự tin giữ thăng bằng để đạp xe thoải mái. Đây cũng chính xác là những gì cần phải áp dụng khi bạn khởi nghiệp.
4. Vốn nhiều không phải lúc nào cũng tốt
Điều này thường đúng đối với những người muốn kinh doanh lĩnh vực công nghệ. Khi bạn có càng nhiều vốn, bạn thường có nguy cơ phạm sai lầm nhiều hơn. Nếu không có nhiều vốn liếng, bạn sẽ không quyết định thuê nhiều chuyên gia hơn mức cần thiết hoặc chọn một trụ sở văn phòng quá “hoành tráng”.
Nếu muốn kinh doanh sản phẩm, bạn có thể bắt đầu bằng nguồn vốn tiết kiệm của mình hoặc vay mượn từ bạn bè, gia đình. Có rất nhiều cách để huy động vốn, nhưng quan trọng là bạn phải chứng minh được tính khả thi của dự án trước khi chào hàng với nhà đầu tư.
Còn nếu muốn kinh doanh dịch vụ, bạn hãy nhắm đến khách hàng đầu tiên, rồi sau đó mới tìm một đội ngũ nhân viên để thực hiện dự án hoặc thuê ngoài nếu cần. Trước mắt, hãy làm mọi cách để cung cấp một dịch vụ tuỵêt vời trước đã, rồi sau đó hãy tính đến việc thiết lập một đội ngũ làm việc hoàn hảo cho riêng mình.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét