Xương ngoài nhiệm vụ là nâng đỡ cơ thể, nó còn là nơi sản xuất ra hồng
cầu cho máu. Chính vì vậy việc duy trì chế độ ăn uống, tập luyện để có
xương chắc khỏe là một nhiệm vụ rất quan trọng. Có những loại thực phẩm
làm suy giảm hoặc cản trở sự hình thành của mật độ xương và có thể gây
ra nhiều bệnh về xương khớp mà không phải ai cũng biết.
Dưới đây là một số thực phẩm có hại cho xương của bạn:
Thực phẩm chứa nhiều vitamin A
Vitamin A đóng vai trò thiết yếu đối với một cơ thể khỏe mạnh. Nó giúp tăng cường sự phát triển, hệ miễn dịch, hệ sinh sản
và thị lực. Tuy vậy, nghiên cứu mới đây cho thấy quá nhiều vitamin A,
nhất là dưới dạng retinol, sẽ có hại cho xương của bạn.
Bản báo cáo này
cũng nêu rõ những nguồn thực phẩm có chứa vitamin A, hàm lượng mà chúng
ta cần đối với loại vitamin quan trọng này, vì sao chúng giúp tăng cường
sức khỏe và làm thế nào bạn biết được hàm lượng vitamin A đã hấp thu.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu bổ sung vitamin A mỗi ngày từ
2.000 - 2.800 IU thì mật độ khoáng xương đạt đến mức lý tưởng. Bổ sung
cao hơn hay thấp hơn mức này đều không lợi cho xương (nghiên cứu Rancho
Bernardo, Kim B,1966).
Từ đó có thể rút ra kết luận, đối với người già hay bị loãng xương,
không nên bổ sung thường xuyên vitamin A cũng như không nên ăn quá nhiều
các loại thực phẩm giàu vitamin A .
Ở trẻ em và người trẻ tuổi nếu thiếu vitamin A sẽ bị quáng gà, khô giác
mạc, loét giác mạc, mù, tăng sừng hóa, khô da có thể bổ sung vitamin A
hoặc dùng thực phẩm giàu vitamin A nhưng không nên lạm dụng. Tốt nhất
nên bổ sung dưới dạng tiền vitamin A (beta-caroten) sẽ an toàn hơn.
Vitamin A (retinol) có nhiều trong gan, thận, sữa, trong các loại thức
ăn bổ sung vitamin A, còn tiền vitamin A (beta-caroten) có nhiều trong
thực vật (củ cà rốt, màng hạt gấc...). Nếu cần bổ sung vitamin A (bằng
ăn uống hay dùng thuốc), cần theo liều khuyến cáo mỗi ngày nam là 3.000
IU, nữ 2.300 IU vitamin A.
Muối
Theo nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học: muối là một trong những tác
nhân lấy đi lượng lớn Canxi từ xương - nguyên nhân chính làm suy yếu hệ
thống xương của bạn. Các nghiên cứu cho thấy cứ 2.300 mg Natri có trong
muối sẽ lấy đi của cơ thể 40 mg Canxi.
Các nhà khoa học cũng tiến hành so sánh những phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh
với những phụ nữ ở những lứa tuổi khác. Những người này thường có chế
độ ăn uống với hàm lượng muối cao hơn và điều đó đồng nghĩa với việc họ
sẽ bị mất một lượng khoáng chất trong xương lớn hơn những phụ nữ khác.
Các nghiên cứu khác về thói quen ăn uống của người Mỹ cho thấy 75% lượng Natri cơ thể con người tiếp nhận từ thực phẩm chế biến sẵn chứ không phải từ muối ăn.
Cách nhanh nhất, hiệu quả nhất ngoài việc cắt giảm trực tiếp lượng muối
trong bữa ăn hàng ngày là hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Các loại thực phẩm nên tránh bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn
đông lạnh, súp đóng hộp, bánh pizza, rau đóng hộp và các loại thức ăn
nhanh như bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên…
Đồ ăn vặt nhiều đường
“Lượng đường dư thừa quá mức ức chế sự hấp thụ canxi và làm cạn kiệt
photpho – một khoáng chất quan trọng trong việc hấp thu canxi”, Shawn
Smith, Giám đốc phụ trách chương trình dinh dưỡng tại Trung tâm Old
Colony Elder Services ở Massachusetts (Mỹ) cho biết.
Quá nhiều rượu
Theo TS Dina Khader, cố vấn dinh dưỡng tại Mount Kisco, New York (Mỹ),
mức tiêu thụ rượu ở mức độ nặng và mạn tính có thể góp phần làm giảm
khối lượng xương, hao mòn các tế bào tạo xương, tăng nguy cơ rạn xương
và làm chậm quá trình lành vết thương ở khu vực này.
Để tăng cường độ vững chắc của xương và phòng chống loãng xương, nên
uống rượu ở mức độ vừa phải. Phụ nữ chỉ nên uống 1 ly rượu/ngày và đàn
ông là 2 ly rượu/ngày.
Quá nhiều thịt, cá
Theo BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia
cho biết, có nhiều trẻ bị còi xương do cha mẹ bồi bổ quá nhiều chất
đạm. Nguyên nhân là do ăn quá nhiều chất đạm có thể xuất hiện tình trạng
toan chuyển hoá, dẫn đến tăng đào thải canxi ra nước tiểu. Hậu quả là
trẻ vẫn bị còi xương cho dù lượng canxi đưa vào cơ thể và được hấp thu ở
mức bình thường.
Vì vậy, để có một bộ xương chắc khoẻ, cần chú ý đến sự phối hợp giữa
kiềm và axit trong bữa ăn hằng ngày. Để giảm axit, không nên ăn quá
nhiều thịt, cá, trứng. Thành phần bữa ăn tốt nhất gồm: 70% thức ăn tạo
kiềm (rau, trái cây), 30% tạo axit (thịt cá)...
Quả đậu
Các loại đậu pinto, đậu navy và đậu Hà Lan rất giàu các chất có tên
phytate. Theo đó, phytate có thể hạn chế khả năng hấp thụ canxi của cơ
thể.
Tuy nhiên, các quả đậu rất giàu ma-giê, chất xơ và những dưỡng chất
khác, tốt cho việc phòng tránh bệnh loãng xương. Bởi vậy, không nên ăn
cùng lúc nhiều loại quả đậu. Có thể giảm hàm lượng phytate bằng cách
ngâm quả đậu vào nước trong vài tiếng và sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Thực phẩm gây viêm
Theo TS Khader, tiêu thụ nhiều loại thực phẩm như cà chua, nấm, hạt
tiêu và cà tím có thể gây viêm xương, từ đó dẫn tới loãng xương.
Tuy nhiên, những loại rau này chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt
cho sức khoẻ nên cũng giống như các loại quả đậu, không nên loại bỏ
chúng ra khỏi thực đơn hằng ngày. Nhưng nhớ là phải đảm bảo cơ thể vẫn
hấp thụ đủ 1.200mg canxi mỗi ngày.
Rau chân vịt
Rau chân vịt rất giàu canxi, tốt cho xương. Tuy nhiên, chúng chứa nhiều
hợp chất mang tên oxalate, ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi.
Để hạn chế tác hại của loại rau này, theo TS Cosman, nên cho thêm vào
thực đơn những món ăn giàu can-xi để cân bằng với loại rau này.
Nếu ăn rau chân vịt, oxalate sẽ ngăn cơ thể hấp thụ can-xi từ rau nhưng
nếu quết thêm chút pho-mát lên rau, cơ thể vẫn sẽ hấp thụ được can-xi
từ pho-mát .
Nước ngọt
Nước ngọt là loại thức uống yêu thích của hầu hết nhiều người, làm đập
tan cơn khát của bạn nhưng nó lại là kẻ thù lớn nhất của xương. Trong
nước ngọt hay đồ uống gas có nhiều axit photphoric làm tăng tốc độ thải
canxi ra qua đường nước tiểu, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương
khớp do thiếu canxi.
Thay vào đó hãy cung cấp nhiều đồ uống làm chắc hệ xương như sữa hoặc
nước ép trái cây hoặc chế độ ăn tốt cho xương để bù đắp vào lượng canxi
do đồ uống có gas gây nên nếu mà bạn không thể khước từ sự cám dỗ của
nó.
Theo Megafun