Các nghiên cứu cho thấy ung thư ruột già có xu hướng gia tăng ở những nước đang phát triển, khu vực châu Á, do mức sống tăng cao nên chế độ ăn có nhiều thịt và chất béo.
Tại một số nước phát triển, việc tầm soát sớm ung thư ruột già ở nhóm người có nguy cơ cao đã được đưa vào chương trình y tế quốc gia. Riêng tại VN, việc nhận thức các dấu hiệu cảnh báo và ý thức tầm soát sớm bệnh lý này vẫn chưa cao.
Cần nắm rõ các yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Ung thư ruột già (còn gọi là ung thư đại tràng) là một trong những loại ung thư thường gặp nhất. Nếu ở nam giới, ung thư đại tràng đứng sau ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt, thì ở nữ giới ung thư này chỉ xếp sau ung thư cổ tử cung và ung thư vú.
Nguyên nhân gây ung thư đại tràng không chỉ do môi trường sống, thói quen ăn uống mà còn do sự thiếu ý thức trong việc phòng ngừa và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh. Các nguy cơ được chia thành 3 nhóm dựa trên các yếu tố:
- Độ tuổi: cụ thể là những người từ 50 tuổi trở lên. Điều này có nghĩa khi bước vào tuổi trung niên đồng nghĩa với việc bạn trở thành thành viên của nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại tràng, cho dù là nam hay nữ.
- Di truyền: nếu gia đình bạn (bố, mẹ, anh, chị ruột) có người đã từng bị ung thư đại tràng, thì bạn cũng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao của bệnh; hoặc trong quá khứ, bạn đã từng tiến hành cắt polyp hay từng bị viêm loét đại tràng...
- Các dấu hiệu về những vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa. Nếu bạn thường bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc là người “nhạy cảm” về đường ruột với các loại thức ăn hoặc thức uống... hay tự nhiên bạn thay đổi thói quen đi vệ sinh (thay vì một lần mỗi ngày, bây giờ nhiều lần trong ngày hoặc nhiều ngày mới đi, hoặc tiêu chảy, táo bón thường xuyên), đi tiêu ra máu, có cảm giác mót rặn sau khi đi tiêu, sụt cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân... thì có khả năng bạn sẽ bị xếp vào nhóm nguy cơ cao.
Đa số ung thư đại tràng phát triển từ các polyp đại tràng. Polyp là các bướu thịt lành tính có yếu tố di truyền, xuất phát từ thành của lòng ruột nhưng có thể từ từ phát triển thành ung thư (90% ung thư đại tràng phát triển từ polyp). Vấn đề quan trọng nhất là ngăn chặn bệnh lý này từ khi chỉ mới là polyp lành tính. Khi triệt hạ sớm yếu tố này, việc phòng ngừa ung thư đại tràng trở nên vô cùng đơn giản.
Ông Nguyễn Vĩnh Tường, hội viên Hội Tiêu hóa gan mật Mỹ, Tổng giám đốc Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ cho biết: “Triệu chứng của ung thư đại tràng rất mơ hồ, từ không có triệu chứng cho đến các triệu chứng không điển hình. Ví dụ: đau bụng, thay đổi thói quen đi vệ sinh, đi tiêu ra máu...
Cần lưu ý: ung thư đại tràng chảy máu là rất ít và kín đáo, nhưng kéo dài người bệnh sẽ bị thiếu máu, cảm thấy mệt mỏi, khó thở. Do đó, nếu đợi đến khi có triệu chứng rõ ràng thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn”.
Việc nhận biết yếu tố nguy cơ để tầm soát ung thư đại tràng có vai trò quan trọng trong việc điều trị. Tuy nhiên, chương trình tầm soát tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ bị ung thư đại tràng của từng trường hợp. Bạn nên thảo luận với bác sĩ khi khám sức khỏe tổng quát hằng năm nhằm xác định yếu tố nguy cơ của bản thân. Nếu bạn có một trong các yếu tố nguy cơ kể trên, hoặc bản thân cũng từng bị một loại ung thư nào đó thì nên nội soi đại tràng khi qua 40 tuổi hoặc sớm hơn nếu trong gia đình có người thân bị ung thư đại tràng trước 40 tuổi.
Soi đại tràng là phương pháp giúp bác sĩ tầm soát polyp đại tràng hữu hiệu. Đây là một thủ thuật đơn giản, diễn ra khoảng 30 phút, áp dụng phương pháp “gây ngủ nhẹ” giúp cho người bệnh giảm tối thiểu sự khó chịu và mau hồi phục.
Trong khi soi nếu có polyp, bác sĩ sẽ dùng máy đốt điện (nối với một dây đốt luồn vào ống soi) cắt trọn polyp, như vậy bạn sẽ được ngăn ngừa khỏi ung thư đại tràng. Nội soi chỉ đạt yêu cầu khi bác sĩ đủ trình độ và tay nghề để phát hiện và cắt bỏ polyp, nếu không, việc nội soi chỉ đạt 50%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét