Đau bụng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc đi kèm với các dấu hiệu và triệu chứng tiêu hóa khác như buồn nôn hoặc nôn.
Đôi khi, các cơn đau là do ăn quá no hoặc ăn quá nhiều một số loại thực phẩm (như thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm sinh hơi, hoặc người không dung nạp lactose ăn nhiều sản phẩm sữa).
Thông thường, đau sẽ khỏi trong vài giờ. Trong trường hợp nhiễm vi rút hoặc nhiễm khuẩn, đau có thể kéo dài 1-2 ngày. Nhưng trong một số trường hợp, đau có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của một rối loạn nặng hơn, có thể cần điều trị thuốc.
Vị trí đau có thể cho biết nguyên nhân
Vì nhiều tạng trong bụng cần cho sự sống và tín hiệu chúng gửi đi khá phức tạp, nên việc xác định nguyên nhân đau bụng có thể rất khó khăn. Tuy nhiên, xác định vị trí đau giúp bác sĩ sớm phát hiện nguyên nhân gốc rễ gây đau. Nhưng ở một số trường hợp, vị trí có thể bị sai.
- Trên rốn. Ngay trên rốn ở vùng trên-giữa của bụng là vùng thượng vị. Đây là nơi bạn có thể có cảm giác đau liên quan tới a-xít dạ dày. Đau kéo dài ở vùng này có thể báo hiệu rối loạn tá tràng, tụy hoặc túi mật.
- Dưới rốn. Đau dưới rốn và lan sang bên có thể báo hiệu rối loạn đại tràng. Với phụ nữ, nguyên nhân hay gặp của đau vùng này là viêm đường tiết niệu và viêm tiểu khung.
- Bụng trên bên trái. Ít khi đau vùng này. Khi bị đau, có thể là rối loạn đại tràng, dạ dày hoặc tụy.
- Bụng trên bên phải. Đau dữ dội bụng trên bên phải thường liên quan tới viêm túi mật. Đau có thể lan ra giữa bụng và xuyên ra sau lưng. Đôi khi, viêm tụy hoặc tá tràng cũng có thể đau vùng này.
- Bụng dưới bên trái. Đau ở đây thường là rối loạn đại tràng xuống, nơi phân được thải ra. Các rối loạn có thể gồm viêm túi thừa hoặc viêm đại tràng - bệnh Crohn hoặc viêm loét tá tràng.
- Bụng dưới bên phải. Viêm đại tràng có thể gây đau bụng dưới bên phải. Một nguyên nhân khác có thể và có lẽ nặng hơn là viêm ruột thừa.
- Đau di chuyển. Một trong những đặc điểm bất thường của đau bụng là khả năng di chuyển dọc theo đường dẫn truyền thần kinh sâu và đau ở các vị trí xa nơi gây bệnh. Thí dụ: đau do viêm túi mật có thể lan lên ngực và dọc vai phải. Đau do rối loạn tụy có thể lan giữa hai vai.
Khi nào cần khám bệnh
Mặc dù phần lớn đau bụng không trầm trọng, một số triệu chứng có thể báo hiệu một bệnh nặng. Tuy nhiên, thường không thể chẩn đoán nguyên nhân đau bụng dựa theo triệu chứng hoặc vị trí đau.
Hãy đến bệnh viện nếu thấy:
- Đau nặng, tái phát hoặc kéo dài
- Đau ngày càng nặng hơn
- Đau kèm theo thở gấp, chóng mặt, xuất huyết, nôn hoặc sốt cao.
Theo TPO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét